Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA thông báo tin trên chỉ vài giờ sau khi Liên Hợp Quốc áp lệnh cấm vận đối với 3 công ty bị cáo buộc hỗ trợ vụ phóng tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, hôm 5/4. Mỹ, Hàn Quốc và một số nước cáo buộc đây là vụ thử tên lửa tầm xa, trong khi Triều Tiên nhấn mạnh họ chỉ đưa một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo.
Ngay sau vụ thử, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chung chỉ trích và sau đó cấm vận 3 công ty Triều Tiên bị cáo buộc liên quan. Bình Nhưỡng lập tức tuyên bố phớt lờ mọi biện pháp trừng phạt và mô tả đây là "sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc". Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Pak Tok Hun thì khẳng định: "Mọi quốc gia đều có quyền sử dụng không gian một cách hòa bình".
Bình Nhưỡng cũng rút khỏi các vòng đàm phán đa phương về hạt nhân để phản đối quyết định của Hội đồng Bảo an, đồng thời tuyên bố tái khởi động lò phản ứng ở Yongbyon. Giới chức Triều Tiên cho rằng tái hoạt động cơ sở hạt nhân này sẽ "góp phần củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân vì mục đích quốc phòng, đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ các lực lượng thù địch".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có mặt tại Bình Nhưỡng trong nỗ lực thuyết phục Triều Tiên quay lại các vòng đàm phán hạt nhân 6 bên. Ông nhắc lại quan điểm của Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng là "không có tính xây dựng".
Trước đó Bình Nhưỡng từng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 và được cho là đã có đủ plutonium để chế tạo từ 6 đến 8 quả bom nguyên tử. Ngoài ra họ còn có thể phân tách đủ nguyên liệu từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng để sản xuất thêm một quả bom nữa. Nước này bắt đầu tiến hành phá dỡ cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon hơn một năm trước, theo thỏa thuận giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ đạt được trong đàm phán 6 bên.